Thân thế Hán Minh Đế

Thời thơ ấu

Nguyên tên ông là Lưu Dương (劉陽), sinh vào ngày Giáp Thân tháng 5 âm lịch năm Kiến Vũ thứ 4 (28), tức ngày 15 tháng 6 năm 28 dương lịch, là Hoàng tử thứ tư của Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, mẹ là Âm Lệ Hoa, người cùng quê Tân Dã, Nam Dương với Lưu Tú. Ông ra đời khi Quang Vũ Đế đã lên ngôi và đang hoàn thành việc đánh dẹp các chư hầu, thống nhất thiên hạ loạn lạc từ cuối thời nhà Tân. Khi đó, mẹ ông Âm Lệ Hoa vẫn đang là phong vị Quý nhân.

Lưu Dương được hạ sinh tại huyện Nguyên Thị[1][2]. Đây là một lần sinh nở khó hiểu, vì Âm Lệ Hoa khi đó đã mang thai, thế mà Quang Vũ Đế vẫn kiên quyết đem bà đi theo hành quân, lại ở huyện thôn hẻo lánh hạ sinh Hoàng tử. Khi Lưu Dương vừa sinh, Quang Vũ Đế vui lắm, đánh giá ngũ quan sáng ngời như Đế Nghiêu thời thượng cổ, lại lấy biểu tượng màu đỏ của ánh dương đặt tên Hoàng tử là "Dương", biểu thị sự coi trọng cùng yêu thích của ông đối với đứa con này của Âm Lệ Hoa[3][4].

Năm Kiến Vũ thứ 13 (37), Lưu Dương được 10 tuổi, Quang Vũ Đế khen ngợi gọi là Ngô Quý Tử (吴季子), điều này càng làm triều đình chấn động. Vì ở thời Xuân Thu, có Ngô Quý Tử, cũng gọi Ngô Quý Trát, là con trai thứ tư của Ngô vương Ngô Thọ Mộng, vốn dĩ không có tư cách kế thừa Vương vị, nhưng Thọ Mộng lại hi vọng đứa con này kế thừa, cho nên con cả của Thọ Mộng là Ngô Chư Phàn quyết liệt xin nhường Trữ vị cho Quý Tử, nhưng Quý Tử kiên quyết từ chối[5]. Nhìn đây có thể suy ra, Quang Vũ Đế thực sự mong Lưu Dương kế vị, nhưng lại sợ gia tộc họ Âm sẽ là điều liên lụy Lưu Dương, khiến Lưu Dương không thể kế vị. Thế nhưng, Lưu Dương khi nghe xong lại nói:"Ngu dốt vô cùng!", cho thấy thái độ không chịu nhường ai của Lưu Dương[6].

Lập làm Thái tử

Năm Kiến Vũ thứ 15 (39), ông được phong làm Đông Hải công (東海公). Năm thứ 17 (41), được phong Đông Hải vương (東海王).

Bấy giờ, Hán Quang Vũ đế đã lập con lớn của Hoàng hậu Quách Thánh ThôngLưu Cương làm Hoàng thái tử. Tuy vậy, Hán Quang Vũ đế rất sủng ái mẹ ông là Âm Quý nhân, cộng thêm lúc trước Âm thị vốn là nguyên phối phu nhân, nên Quang Vũ Đế luôn tìm cách cho hai mẹ con Lưu Dương có được địa vị. Từ đó, Quang Vũ đế có ý định phế ngôi vị Thái tử của Lưu Cương để dành cho Lưu Dương.

Năm Kiến Vũ thứ 17 (41), Quang Vũ Đế Lưu Tú lấy lý do: 「Hoài thế oán đỗi, sổ vi giáo lệnh, bất năng phủ tuần tha tử, huấn trường dị thất; 懷勢怨懟,數違教令,不能撫循他子,訓長異室」, ra chỉ phế truất Quách hậu, lập Âm thị làm Hoàng hậu. Quách hậu sau khi bị phế truất, vẫn được thiện đãi, song Hoàng thái tử Lưu Cương nhận thấy địa vị của mình không chắc chắn, từ vị trí "Đích trưởng tử" bây giờ trở thành "Thứ trưởng tử", danh không chính ngôn không thuận, nên đã nghe theo thầy học Chất Uẩn (郅恽) khuyên can, nhiều lần thỉnh cầu lên Quang Vũ Đế chủ động được từ bỏ ngôi vị[7][8]. Từ đây, Đông Hải vương Lưu Dương lấy thân phận Đích trưởng tử ở trong triều đình tham dự chính vụ.

Năm Kiến Vũ thứ 19 (43), mùa xuân, Đông Hải vương Lưu Dương bình định Thiền vu Đan Thần (单臣), công lao hiển hách[9]. Tháng 6 năm đó, Quang Vũ Đế lập Lưu Dương làm Hoàng thái tử, cải tên thành Lưu Trang, còn Thái tử Lưu Cương bị giáng phong làm Đông Hải vương. Từ trước, lúc Lưu Cương làm Thái tử, Quang Vũ Đế vẫn mãi không cho Lưu Cương tức vị Đông Cung, nên nghi chế cùng quan viên cần thiết vẫn chưa được thiết lập, từ khi Lưu Trang được sách lập, mới bắt đầu định quy chế triều nghi, cách thức Thái tử ngự triều như thế nào, cũng mới dần được ghi chép rõ ràng[10].

Năm Kiến Vũ trung nguyên thứ 2 (57), ngày 29 tháng 3, Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú băng hà, Thái tử Lưu Trang lên nối ngôi, tức là Hán Minh đế. Khi đó ông đã 29 tuổi.